Bộ Tài chính đã gửi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam lấy ý kiến về việc triển khai xây dựng Biểu thuế suất nhập khẩu từng loại linh kiện, phụ tùng ôtô. Biểu thuế này sẽ thay thế các mức thuế tính theo dạng CKD và IKD hiện nay.
Bộ Tài chính đã gửi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam lấy ý kiến về việc triển khai xây dựng Biểu thuế suất nhập khẩu từng loại linh kiện, phụ tùng ôtô. Biểu thuế này sẽ thay thế các mức thuế tính theo dạng CKD và IKD hiện nay.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp sẽ gửi về trước ngày 20/9.
Ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Chính sách Thuế, cho biết, biểu thuế mới nhắm hỗ trợ cho sự phát triển một cách toàn diện của ngành trong thời gian tới. Theo quy định hiện hành thuế suất nhập khẩu bộ linh kiện ôtô dạng CKD và IKD phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ôtô được quy định thấp hơn nhiều so với xe ôtô nguyên chiếc và phụ tùng, linh kiện rời. Theo Bộ Tài chính, quy định này đã có tác dụng dụng tích cực, góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển.
"Tuy nhiên, đến thời điểm này, quy định thuế suất nhập khẩu theo bộ linh kiện CKD và IKD không còn phù hợp vì Chiến lược phát triển ngành ôtô đặt mục tiêu phát triển công nghiệp phụ tùng làm trọng tâm, thay vì chỉ lắp ráp như trước đây. Bên cạnh đó, nếu áp dụng quy định hiện hành thì phải gắn với yêu cầu nội địa hóa trong tiêu chuẩn bộ linh kiện, trong khi đó các quy định về nội địa hóa sẽ không phù hợp với các điều khoản tại Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại của WTO. Ngoài ra, các nước trên thế giới và khu vực đều không quy định thuế suất nhập khẩu theo bộ linh kiện CKD và IKD mà áp dụng theo từng phụ tùng, linh kiện", ông Pháp cho biết.
Theo quy định hiện hành, thuế suất bộ linh kiện CKD dao động từ 3 đến 25%, thuế suất IKD là 1-5%, trong khi đó các cụm linh kiện chiếm tỷ lệ giá trị cao như khung, thân xe, động cơ đều có mức thuế suất từ 20-50%. Riêng các chi tiết thông dụng như kính, ắc quy, đồ nội thất, ghế,... cũng phần lớn có thuế suất 40-50%. |
Mục tiêu của việc xây dựng mức thuế suất cho từng linh kiện, phụ tùng sẽ nhắm mục tiêu chính là hỗ trợ, phát triển phụ tùng trong nước và dựa trên 3 tiêu chí: đảm bảo mức thuế suất mới không cao hơn hiện hành, để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam; mức thuế suất bình quân của linh kiện phụ tùng không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể với thuế suất dạng CKD hiện hành đối với phần lớn các chủng loại xe, đặc biệt là những loại xe đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; quy định một cách hợp lý để bảo hộ những linh kiện, phụ tùng đã hoặc cần khuyến khích sản xuất.
"Biểu thuế suất nhập khẩu theo từng loại linh kiện sẽ được duy trì một cách ổn định, lâu dài thay cho việc ban hành lịch trình tăng thuế bộ linh kiện trong một số năm như dự kiến trước đây", ông Pháp cho biết.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Tài chính đề ra hai hướng xây dựng mức thuế suất nhập khẩu cho từng loại linh kiện, phụ tùng.
Phương án 1 là lựa chọn những loại linh kiện, phụ tùng quan trọng cần khuyến khích sản xuất trong nước theo Chiến lược phát triển ngành ôtô và những loại linh kiện, phụ tùng trong nước đã sản xuất được, có lợi thế cạnh tranh để quy định cấp độ bảo hộ hợp lý. Những loại linh kiện còn lại sẽ quy định mức thuế suất thấp và không phân biệt sử dụng cho loại xe nào. Chẳng hạn như bộ phận truyền động, khung xe, vỏ xe quy định mức thuế suất 15-30%; kính, lốp xe, ắc quy 30-40%, các phụ tùng còn lại 0-15%... Như vậy, mức thuế suất bình quân của các linh kiện, phụ tùng của loại xe 16 chỗ trở xuống sẽ được thiết kế tương đương với mức thuế suất CKD hiện nay, các loại xe khác đều cao hơn, đặc biệt là xe tải trên 5 tấn và xe bus trên 30 chỗ ngồi.
Phương án trên, theo các chuyên gia của Bộ Tài chính sẽ đảm bảo mục tiêu bảo hộ có chọn lọc và trọng tâm vào những sản phẩm cần ưu tiên, khuyến khích, thuận lợi trong việc triển khai thực hiện vì mức thuế suất được quy định thống nhất và đảm bảo được mức độ tương đương về thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành đối với loại xe chịu thuế TTĐB, đặc biệt loại xe con không quá 9 chỗ ngồi.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là có một số chủng loại xe, đặc biệt là xe tải trên 5 tấn và xe bus trên 30 chỗ vì họ sẽ chịu mức thuế suất trung bình các loại linh kiện, phụ tùng cao hơn nhiều so với mức thuế suất CKD hiện hành (hiện đang chịu thuế 3-5%).
Nhắm đảm bảo mức thuế bình quân các loại linh kiện, phụ tùng tương đương với mức thuế suất của bộ linh kiện hiện hành,phương án thứ 2 đưa ra mức thuế suất nhập khẩu có phân biệt đối với các loại linh kiện, phụ tùng (trừ những loại linh kiện đã được quy định chung như săm lốp, ắc quy, ghế,...) và chia theo 3 chủng loại xe: từ 16 chỗ ngồi trở xuống; trên 16 người và xe tải có trọng lượng dưới 5 tấn; và loại dùng cho xe có trọng lượng có tải tối đa trên 5 tấn.
Chẳng hạn, đối với 3 chủng loại xe thì phần khung chưa gắn động cơ có thuế lần lượt là 30%, 25%, 15%; phụ tùng linh kiện của khung xe tương ứng là 25%, 20%, 10%...
Theo đánh giá, phương án này về cơ bản đảm bảo phân biệt mức thuế suất phụ tùng của từng chủng loại xe, so với phương án thứ nhất thì ít gây biến động về mức thuế phải nộp so với việc tính thuế theo bộ linh kiện CKD hiện hành và nhất là sẽ giảm bớt phản ứng từ các doanh nghiệp sản xuất xe tải và xe bus.
Tuy vậy, theo Bộ Tài chính, phương án này cũng dễ xảy ra tình trạng gian lận thương mại do khả năng lắp lẫn linh kiện của xe chở người trên 9 chỗ cho xe tải (thực tế cũng đang có doanh nghiệp đóng xe chở khách trên nền cơ sở là xe tải). Mặt khác, việc phân biệt các loại linh kiện, phụ tùng dùng cho từng chủng loại xe cũng gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật.
Vì vậy, nếu áp dụng cách tính thuế này thì có thể sẽ phải ban hành thêm các quy định về quản lý, kiểm tra về việc doanh nghiệp có sử dụng đúng các loại linh kiện, phụ tùng vào lắp ráp chủng loại xe khai báo hay không?
"Quy định này rất phức tạp và dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện", một chuyên gia nhận xét.